1. Điều kiện để được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường
Để được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, cơ sở cần đáp ứng các điều kiện sau:
1.1. Điều kiện về kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu
(Điều 56 Nghị định 48/2015, sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 3 Nghị định 40/2019)
a) Kho lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
- Có hệ thống thu gom nước mưa; hệ thống thu gom và biện pháp xử lý các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
- Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ phế liệu được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;
- Có tường và vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ phế liệu bằng vật liệu không cháy; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.
b) Bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu:
- Có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn qua bãi phế liệu nhập khẩu và các loại nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ phế liệu bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
- Có cao độ nền bảo đảm không bị ngập lụt; sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, đủ độ bền chịu được tải trọng của lượng phế liệu cao nhất theo tính toán;
- Có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ bãi lưu giữ phế liệu.
1.2. Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
1.3. Có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý.
1.4. Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định
(Điều 57 Nghị định 48/2015, sửa đổi bởi Khoản 31 Điều 3 Nghị định 40/2019)
- Mục đích và phương thức:
+ Ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu là để tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu;
+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (sau đây gọi tắt là ký quỹ). Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu;
+ Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật kể từ ngày ký quỹ.
- Khoản tiền ký quỹ:
+ Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
+ Khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu;
+ Khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.
- Quy trình ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu:
+ Tổ chức nhập khẩu phế liệu phải thực hiện ký quỹ trước thời điểm phế liệu dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển hoặc nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp khác;
+ Ngay sau khi nhận ký quỹ, tổ chức tín dụng xác nhận việc ký quỹ của tổ chức nhập khẩu phế liệu vào văn bản đề nghị ký quỹ của tổ chức.
+ Tổ chức tín dụng gửi tổ chức nhập khẩu phế liệu 02 bản chính văn bản xác nhận đã ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu. Tổ chức nhập khẩu phế liệu gửi văn bản xác nhận đã ký quỹ (bản quét từ bản chính có xác thực chữ ký điện tử của tổ chức, cá nhân) lên Cổng thông tin một cửa Quốc gia, đồng thời gửi 01 bản chính cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục thông quan.
1.5. Có văn bản cam kết về việc tái xuất hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
1.6. Chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.
Không được nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế và bán lại phế liệu. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế; số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất.
1.7. Ký hợp đồng trực tiếp với tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
2. Thẩm quyền, trình tự thủ tục cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (Khoản 30 Điều 3 Nghị định 40/2019)
2.1. Thẩm quyền:
Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (sau đây gọi tắt là Giấy xác nhận).
2.2 Hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị theo mẫu;
- Hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán phế liệu với đối tác nước ngoài, kèm theo danh mục phế liệu;
- Báo cáo các điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo mẫu;
- Bản sao quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền kèm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường;
- Bản sao văn bản của Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh thông báo kết quả kiểm tra việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của dự án;
- Bản sao một trong các loại giấy tờ: giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu của cơ sở đề nghị cấp lại giấy xác nhận;
- Bản sao hợp đồng chuyển giao, xử lý tạp chất, chất thải với đơn vị có chức năng phù hợp (trong trường hợp không có công nghệ, thiết bị xử lý tạp chất đi kèm phế liệu nhập khẩu, chất thải phát sinh);
- Bản cam kết về tái xuất hoặc xử lý, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu vi phạm theo mẫu.
- Hồ sơ trang thiết bị, cơ sở vật chất, gồm có:
+ Bản vẽ mặt bằng khu vực kho bãi, nhà máy tái chế;
+ Bản chụp hình ảnh khu vực kho bãi, nhà máy tái chế;
+ Mô tả về công nghệ, thiết bị tái chế dự kiến sử dụng, kèm theo hóa đơn chứng từ về máy móc, thiết bị, công nghệ hoặc hợp đồng đặt hàng…
- Hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp, gồm:
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Bản sao chứng thực cá nhân/căn cước của người đại diện theo pháp luật;
+ Bản sao chứng thực Hợp đồng thuê nhà máy (áp dụng đối với trường hợp thuê nhà máy để sản xuất) hoặc giấy tờ khác chứng minh việc sở hữu/sử dụng hợp pháp nhà máy, như: quyết định giao đấ, hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đăng ký nhà xưởng, giấy phép xây dựng …);
Bản sao chứng thực giấy phép Phòng cháy chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đáp ứng điều kiện về PCCC;
Văn bản cam kết về PCCC, An ninh trật tự có xác nhận của địa phương nơi sản xuất, kinh doanh.
Số lượng các tài liệu cần cung cấp: mỗi loại 02 bản sao chứng thực, trừ trường hợp cung cấp bản gốc thì số lượng là 01 bản.