 |
Tính chung 9 tháng Petrolimex có lợi nhuận công bố 58 tỷ đồng. Hình minh họa |
Chưa phải là bước cuối cùng…
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, vừa qua Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương rà soát Nghị định 84 và yêu cầu trong tháng 12 phải trình, Nghị định 84 quy định các vấn đề có tính nguyên tắc về kinh doanh xăng dầu, còn cụ thể hóa dành cho các văn bản cụ thể. Nghị định 84 chưa phải là bước cuối cùng để kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, đây là nghị định tiếp nối các Quyết định 187, Nghị định 55 và sau này còn nhiều bước nữa để kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Ông Tú ví von “chúng ta đều có nguyện vọng “sống trong nhà đẹp”, nhưng muốn có phải xây theo quy trình, phải từ móng đến nóc. Xây dựng thị trường cạnh tranh xăng dầu là một quá trình dài, chúng ta đang hướng tới điều đó.”
Theo ông Tú, đã có “bước tiến dài” khi Petrolimex từ một đơn vị chiếm 100% thị phần nay xuống còn 48%, trước nghi ngại Petrolimex độc quyền trong kinh doanh xăng dầu nên khó có cơ hội giảm giá xăng dầu trong nước khi giá giảm, ngược lại. “Đến nay chúng ta đã có 13 đơn vị đầu mối cung cấp xăng dầu và cần nhiều hơn nữa” - ông Tú cho hay. Ông Tú cũng “trấn an” người tiêu dùng nếu nghi ngờ giá xăng dầu không minh bạch thì có thể đọc bất kỳ một tờ thị trường nào ban hành vào bất cứ ngày nào, trong đó đều công bố rõ giá cơ sở của xăng dầu vào đúng ngày hôm đó, theo đúng công thức của Bộ Tài chính.
“Chỉ minh bạch” vào… thời điểm nhất định
Ông Bùi Ngọc Bảo thừa nhận, tuy mỗi lần tiến hành điều chỉnh mặt hàng xăng dầu thì đều có thông báo, nhưng chỉ “minh bạch tại thời điểm đó, còn cả chu kỳ lại không minh bạch”. Ông Bảo nói rằng, “cả chu kỳ không minh bạch” vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó không theo chuẩn mực nào.
“Trong kết cấu giá năm 2012, tôi lấy ví dụ giá bình quân của thế giới đối với mặt hàng xăng, chỉ tăng 3% so với 2011, nhưng giá xăng trong nước lại tăng 11%, điều này phải giải thích bằng cách thức khác. Trong công thức giá của Nghị định 84 quy định rất minh bạch, cấu thành yếu tố giá thì trong đó có vấn đề về thuế, tỷ giá, giá quốc tế. Ba dữ kiện này cùng đều hoạt động thì ảnh hưởng đến giá cuối cùng” - ông Bảo cho biết.
“Tâm điểm” bức xúc của dư luận thời gian qua, theo ông Bảo, là giá “tăng không theo thị trường, giảm cũng không theo thị trường”. Ông Bảo đặt câu hỏi, “quan trọng là cần xác định chúng ta muốn gì?”. Vì giá xăng dầu đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, nhưng việc tăng hoặc giảm lại thiếu “hơi hướng” thị trường, muốn điều này ấy không xảy ra thì phải ổn định giá. Ông Bảo đề nghị giá lên bao nhiêu thì giảm thuế, và giá giảm thì tăng thuế để giữ mức giá ổn định. “Vấn đề chúng ta đặt mục tiêu gì, thuế là để thu ngân sách hay là công cụ điều tiết giá” - ông Bảo cho hay.
Về con số lời, lỗ, ông Bảo cho hay đây là năm đầu tiên Petrolimex cổ phần hoá, trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex lỗ do giá cả lên cao, do mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhà nước điều hành giá tương đối ổn định, DN không tính được định mức… nên 6 tháng đã bị lỗ, nhưng quý III/2012 đã có lãi và tính chung 9 tháng Petrolimex có lợi nhuận công bố 58 tỷ đồng. Với lợi nhuận này, ông Bảo cho biết, đó là “con số quá nhỏ so với vốn sản xuất kinh doanh”.
Mỗi năm cả nước nhập hơn 15 triệu khối xăng dầu, trước câu hỏi hiện nay chúng ta đang nhập khẩu nhỏ lẻ qua 11 đầu mối nên việc phân phối, bán cũng sẽ phải theo nguyên tắc nhỏ lẻ, giá cao, đại diện Petroliemex nói luôn: “Tôi không hiểu nhỏ lẻ là theo suy nghĩ nào”, bởi Petrolimex thì không thể mua lớn hơn được nữa vì một chuyến tàu có khi lên tới 150.000 khối, đó là quy mô lớn nhất trong thương mại bình thường trên thế giới.
Hiện cả nước có trên 13.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó Petrolimex có khoảng 2.500, của các DNNN khác khoảng 500, còn hơn 10.000 ngàn cửa hàng thuộc mọi thành phần kinh tế. Hệ thống này đều theo quy định của Nghị định 84, là đại lý cho 13 DN đầu mối, các DN phải giám sát đại lý của mình, kể cả chất lượng. Trước tình trạng gian lận của nhiều cây xăng vừa qua, ông Bảo thừa nhận, “hoa hồng không đủ cho DN hoàn vốn, có thể vì lợi ích cục bộ nên dẫn đến tình trạng gian lận”…